Đột phá công nghiệp hỗ trợ

Theo Quyết định 12/2011/QĐ-TTg, khái niệm CNHT được hiểu là các ngành công nghiệp sản xuất vật liệu, phụ liệu, linh kiện, phụ kiện, bán thành phẩm để cung cấp cho các ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp các sản phẩm hoàn chỉnh (tư liệu sản xuất hoặc sản phẩm tiêu dùng).

Sản phẩm hỗ trợ bao gồm vật liệu, phụ tùng, linh kiện, phụ kiện, bán thành phẩm sản xuất tại Việt Nam cung cấp cho khâu lắp ráp, sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh thuộc các ngành cơ khí chế tạo, điện tử – tin học, sản xuất lắp ráp ô tô, dệt may, da giày, và công nghiệp công nghệ cao.

Điểm qua những ngành công nghiệp mũi nhọn ở nước ta không khó để nhận ra điều đó. Như ngành sản xuất, lắp ráp ô tô hiện nay mới nội địa hóa 5-10%. Ngành cơ khí mới tham gia sản xuất được một phầm sản phẩm phi tiêu chuẩn, chiếm khoảng 20% trong tổng giá trị thiết bị. Sản xuất linh phụ kiện điện tử chiếm 21,5% tổng vốn đầu tư của ngành. Đặc biệt, may mặc dù là ngành có thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam, chiếm vị trí thứ 5 trong số các nước xuất khẩu lớn trên thế giới, có tới 80-85% tỷ lệ nguyên, phụ liệu phải nhập khẩu.

CNHT cung cấp cho ngành xe máy được coi là thành công nhất với việc hình thành hệ thống các nhà cung ứng ngay trong nội địa. Tỷ lệ nội địa hóa các loại xe gắn máy do trong nước sản xuất đã đạt khoảng 85-90%. Vốn đầu tư cho dự án CNHT rất lớn, trong khi 90% doanh nghiệp (DN) Việt Nam có quy mô nhỏ, khả năng tiếp cận nguồn vốn rất hạn chế. Các ngành sản xuất CNHT thường gây ô nhiễm môi trường (nhuộm vải, thuộc da) khiến nhiều địa phương thận trọng. Không những vậy, DN cũng e dè vì chi phí xử lý ô nhiễm lớn, phải đối phó với thanh tra kiểm tra môi trường thường xuyên.

Hiện nay, khả năng cạnh tranh của sản phẩm CNHT của Việt Nam trên thị trường rất thấp, giá thành cao, không đáp ứng yêu cầu về chất lượng và tính tương thích về kỹ thuật. Tính liên kết giữa DN kém, ít DN tạo dựng được mối quan hệ hợp tác chiến lược với đối tác, bạn hàng, chưa quan tâm đến tạo dựng chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Trình độ công nghệ của DN nội hạn chế, khó đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật cao của nhiều DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang hoạt động tại Việt Nam. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực để phát triển CNHT hiện nay yếu.

Các nhà quản trị DN thiếu tầm nhìn đề xuất chiến lược phát triển lâu dài, trình độ tay nghề còn thấp. DN chưa ý thức được hầu hết các khâu sản xuất CNHT đòi hỏi trình độ tay nghề cao hơn khâu lắp ráp sản phẩm cuối cùng. Một trở ngại quan trọng cho phát triển CNHT đó là tỷ lệ gia công ở các ngành công nghiệp chế biến chủ lực như dệt may, sản xuất da giày, túi xách, hàng điện – điện tử, cơ khí… chiếm tỷ trọng cao, DN khi gia công thuần túy khó có cơ hội lựa chọn nguyên liệu nội địa để tiêu thụ.

DN chủ động, Nhà nước hỗ trợ

Nhiều nguyên nhân khiến CNHT Việt Nam kém phát triển. CNHT vố

Trong bối cảnh hiện nay, cần phải xác định rõ CNHT không còn là ngành công nghiệp mang tính chất phụ trợ hay hỗ trợ, mà đây là ngành đóng vai trò xương sống cho công nghiệp Việt Nam. Hiện nay, dung lượng thị trường đã đủ lớn để tập trung phát triển ngành cung ứng linh kiện, phụ tùng, đặc biệt ngành điện – điện tử, cơ khí chế tạo tập trung ở một số tập đoàn đa quốc gia như Samsung, LG, Nokia và các công trình công nghiệp nặng, năng lượng.

Trong những năm tới, nhu cầu về vật liệu, linh phụ kiện và phụ tùng sẽ tiếp tục tăng, dự kiến kim ngạch nhập khẩu có thể lên đến khoảng 70 tỷ USD. Việt Nam cần tận dụng thời cơ nhu cầu CNHT của các dự án tập đoàn đa quốc gia đã đầu tư tại Việt Nam để phát triển ngành CNHT.

Để tạo sự phát triển đột phá cho ngành CNHT thời gian tới, Nhà nước cần có sự đầu tư thích đáng cho ngành, hoàn thiện chính sách nội địa hóa, thành lập các khu, cụm công nghiệp chuyên ngành CNHT. Bố trí các nguồn lực riêng giúp DN nâng cao năng lực công nghệ, nghiên cứu phát triển và đổi mới công nghệ, phát triển nguồn nhân lực.

Bên cạnh những ưu đãi về thuế (xuất khẩu, nhập khẩu, thu nhập DN, thu nhập cá nhân), ưu đãi lãi suất tín dụng, bảo lãnh tín dụng, Nhà nước cũng cần khuyến khích các công ty tài chính, ngân hàng, phát triển mạnh cách thức thuê mua tài chính trong mua sắm máy móc, thiết bị, công nghệ cho các DN sản xuất sản phẩm phụ trợ. Tăng cường liên kết, giới thiệu các DN có năng lực trong nước trong lĩnh vực CNHT với các DN FDI, tập đoàn đa quốc gia.

Những chính sách phát triển CNHT của Nhà nước là quan trọng, song cũng không thể thay thế sự nỗ lực của bản thân DN. Theo đó, DN cần chủ động nghiên cứu thị trường, tìm kiếm đối tác, cung ứng sản phẩm, chủ động đào tạo nguồn nhân lực cho sự phát triển của chính DN mình và sẵn sàng nhận chuyển giao công nghệ khi cần thiết để sản xuất sản phẩm đáp ứng nhu cầu của các tập đoàn lớn.