Lay lắt ngành học cơ khí nông nghiệp
Với vai trò là người phát biểu đề dẫn hội nghị, GS Trần Đức Viên đã đưa ra một thực trạng đáng buồn: Cơ khí nông nghiệp bị bỏ rơi nhiều năm, sau khi Liên Xô sụp đổ, chúng ra hầu như không quan tâm đến cơ khí nông nghiệp.
Hội nghị đẩy mạnh cơ giới hóa, tạo động lực tái cơ cấu ngành nông nghiệp tổ chức sáng 12/6
Một trong những minh chứng cụ thể của điều này, đó là ngành học Cơ khí nông nghiệp trong các trường đại học hiện nay rất khó tuyển sinh.
“Tại Học viện nông nghiệp Việt Nam, ngành Cơ khí nông nghiệp hàng năm tuyển được khoảng 200 sinh viên đã là rất ổn so với nhiều cơ sở đào tạo khác. Không có sinh viên vào học, ngành này tại nhiều trường đã “biến tướng”, chủ yếu chuyển thành chế biến. Tất cả các thiết bị giáo dục phục vụ đào tạo đều nhập từ Liên Xô, đã lạc hậu, cũ kỹ” – GS Trần Đức Viên trăn trở.
Liên quan đến công tác nghiên cứu, người đứng đầu Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng: Các nhà nghiên cứu khoa học chỉ có thể tạo ra mẫu mã. Bản thân Học viện Nông nghiệp Việt Nam trong thời gian qua đã tạo ra hàng chục mẫu mã khác nhau, trong đó có những mẫu mã đã được cấp bằng sáng chế.
Tuy nhiên, từ những mẫu mã đó, để được trở thành các cỗ máy thật, hoạt động trên ruộng đồng là cả một quãng đường dài, rất dài và cần nhiều kinh phí. Do đó, vai trò “bà đỡ” của Nhà nước là vô cùng quan trọng.
Cũng minh chứng cho việc cơ khí nông nghiệp bị bỏ rơi, GS Trần Đức Viên cho biết, phải sau thời gian những 20 năm, Hội nghị về cơ giới hóa, tạo động lực tái cơ cấu ngành nông nghiệp mới lại được tổ chức.
“Cá nhân tôi cho rằng, không phải tái cơ cấu ngành nông nghiệp mà phải là làm lại, cơ cấu lại. Với hội nghị này, chúng tôi muốn gửi thông điệp tới các bộ ngành có liên quan, quan tâm, tạo động lực, từ đó phát triển ngành Cơ khí nông nghiệp Việt Nam” – GS Trần Đức Viên bày tỏ.
Tại hội nghị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bên cạnh việc đánh giá thực trạng cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp sẽ đề xuất những giải pháp đẩy mạnh cơ giới hóa, tạo động lực tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong thời gian tới.