Turbo tăng áp – Hoạt động như thế nào?
Với động cơ đốt trong thì 1 kg nhiên liệu cần khoảng 14.7 kg không khí để đốt hết. Muốn tăng công suất động cơ thì phải tăng lượng nhiên liệu được đốt từ đó sẽ sinh ra nhiều nhiệt năng hơn và tương ứng nhiều cơ năng hơn. Mà tăng nhiên liệu đốt thì cũng phải tăng không khí để đốt được cái nhiên liệu đó (ở đây gọi là khí nạp). Đây là động cơ đốt trong nên không khí phải nạp vào buồng đốt để cháy. Không đủ không khí thì nhiên liệu sẽ không cháy hết. Vì vậy sẽ có hai cách tăng công suất (tất nhiên là có nhiều cách nhưng em nói đơn giản):
1. Tăng dung tích động cơ nhờ đó hút vào nhiều không khí hơn, phun nhiên liệu tăng tương ứng. Và qua đó động cơ sẽ có công suất lớn hơn (do nhiệt năng sinh ra lớn hơn).
2. Giữ nguyên dung tích động cơ nhưng tăng lượng khí nạp vào bằng cách nén khí nạp này trước khi vào buồng cháy. Như vậy cũng sẽ phun được nhiều nhiên liệu hơn, và công suất tăng. Vì vậy công nghệ này gọi là tăng áp.
Nhiều bác sẽ thấy là động cơ cùng dung tích nhưng có tăng áp thì công suất sẽ lớn hơn nhiều. Vì không khí bị nén nên sẽ nóng và nở ra. Nếu có thêm bộ intercooler (hay charge air cooler) sẽ làm lạnh cái không khí bị nén (thể tích lại giảm xuống) và nhờ đó nén được nhiều hơn.
Chú ý: Do tốc độ cánh tuabin rất lớn (trên 10.000 vòng/phút đến 270.000 vòng/phút) nên bắt buộc phải dùng ổ trượt và bôi trơn thủy động. Trong quá trình vận hành thường rất hay xảy ra hiện tượng cháy bạc do các bác tài vận hành không đúng quy trình. Sau khi động cơ hoạt động ở chế độ tải lớn và khắc nghiệt, nhiệt độ của turbo thường rất cao (trên 300 độ C) thậm chí cao hơn (nóng đỏ cả bộ). Trong lúc này mà các dừng xe tắt máy thì trục turbo không được bôi trơn và làm mát làm cháy dầu. Vì vậy chỉ sau vài lần như thế thì turbo sẽ bị hỏng. Vì vậy các bác tài cần lưu ý quá trình vận hành sau khi hoạt động ở chế độ tải lớn cần để động cơ chạy không tải một thời gian nữa để nhiệt độ giảm xuống rồi mới tắt máy.